Sáng 11.10, sau gần 2 giờ ngồi ô tô, hơn 130 nông dân ở xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) đã có mặt tại xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội).
Ông Lê Quý Đôn – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quan cho hay, Xã có 1.630 hộ, với 125ha đất nằm trong vùng dự án. Hầu hết người dân đều có nhu cầu học nghề, dựa vào nhu cầu đăng ký của người dân, chủ đầu tư khu đô thị sinh thái Ecopark đã phối hợp với xã để tổ chức và tài trợ 3 lớp học gồm: lớp trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; lớp may công công nghiệp và chăn nuôi thú y.
Hơn 130 người dân ở xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên)
hào hứng “đổ” ra cánh đồng hoa xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội)
để tìm hiểu thực tế và học hỏi kinh nghiệm trồng hoa của người dân nơi đây.
Không chỉ được học cách trồng, chăm sóc hoa,
đoàn còn được học cách hái hoa, bó hoa sao cho hoa đẹp, không bị dập.
Theo kế hoạch lớp trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ khai giảng trước và hiện các học viên đã học xong với 173 học viên các lớp còn lại dự kiến sẽ khai giảng vào cuối quý IV năm nay.
Ông Đôn cho hay, sở dĩ chọn Tây Tựu để đưa người dân đi tực tế học nghề là bởi đây là xã có truyền thống và kỹ thuật trồng, thâm canh cây hoa, rau rất cao. Hơn nữa thổ nhưỡng ở Xuân Quan cũng có phần tương đồng với Tây Tựu, vì cùng được hưởng nguồn phù sa cổ của sông Hồng.
Nhiều người chăm chú quan sát từ cách bọc giấy cho nụ hồng,
đến cách chọn thời điểm bọc sao cho thích hợp ngay trên ruộng hoa.
Cắt, bấm lấy lộc để giâm giống cúc đòi hỏi phải có kỹ thuật, nhiều người rất thích thú và
say mê quan sát cách cắt mầm của những người thợ hoa ở Tây Tựu
Ông Bùi Trung Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Tây Tựu cho biết, xã có tất cả 3 HTX, với tổng diện tích canh tác khoảng 340ha, chủ yếu trồng hòa và rau an toàn. “Trước đây hầu hết các diện tích của xã Tây Tựu đều cấy lúa, nhưng do sự phát triển của xã hội, nhận thấy nhu cầu chơi hoa, rau sạch ngày càng lớn, hơn nữa giá trị thu được trên một đơn vị sản xuất, cây lúa thấp hơn hẳn so với cây hoa, rau và một số cây trồng khác, do đó người dân đã từng bước chuyển đổi cây trồng cho phù hợp nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống” – ông Hà chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Bàng, thôn Thượng, xã Tây Tựu hiện đang trồng 3 sào cúc giống và gần chục sào
hoa các loại đang hướng dân người dân xã Xuân Quan cách cắt mầm cúc giống để giâm.
Anh Nguyễn Văn Ty, thôn 2, xã Tây Tựu đang chia sẻ với người dân xã Xuân Quan
về kinh nghiệm trồng hoa ly.
Đoàn thăm quan thực tế của xã Xuân Quan rất tập trung khi nghe lãnh đạo xã Tây Tựu
chia sẻ về các mô hình trồng hoa, rau an toàn tại xã. Nhiều mô hình đạt 420 – 500 triệu đồng/ha/năm
Đúng là: “Trăm hay không bằng một thấy”, hầu hết những người dân tham gia buổi thực tế tại xã Tây Tựu đều rất thích thú và thu được nhiều kiến thức bổ ích, từ những chia sẻ được đúc rút từ kinh nghiệm của người dân xã Tây Tựu.
Anh Phạm Văn Nhật, thôn 6, xã Xuân Quan cho biết sau khi được học nghề trồng hoa, anh đã trồng 1,5 sào hoa gồm cúc, hồng và 7 sào cây cảnh các loại. Khi được hỏi cảm nhận của anh về buổi đi thực tế này, anh vui vẻ nói: “Ở Văn Giang cũng có nhiều xã trồng hoa, nhưng trình độ trồng, thâm canh hoa của người dân xã Tây Tựu hơn hẳn. Chỉ cần so sánh cách lên luống, tưới, rồi cắt mầm cúc giâm… là đủ biết trình độ kỹ thuật của những thợ trồng hoa nơi đây như thế nào. Được cái các bác ấy không giấu nghề, mình hỏi gì các bác cũng chia sẻ”.
Bác Lê Văn Bằng, ở thôn 9 hiện đang trồng 1 sào cúc, khi đi thăm quan khu trồng hoa đồng tiền rộng 3,5ha của anh Nguyễn Xuân Điệp, thấy hoa lên đều, cuống hoa dài, bông to, đã nài nỉ anh Điệp bán lại cho ít giống về trồng thử. Anh Điệp chia sẻ: “Trồng hoa đồng tiền đầu tư lớn (15 triệu/sào), nhưng được cái thu nhập ổn định vì hoa có thể bán quanh năm. Chỉ cần trồng 1 – 2 sào đồng tiền, nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, mỗi tháng cho thu nhập từ 4 – 6 triệu đồng/sào”.