Giao thông phát triển, nhất là từ khi thành phố xây dựng và thông xe thêm hai cây cầu lớn bắc qua sông Hồng là cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì, giờ từ trung tâm Hà Nội người ta có thể dễ dàng đến Bát Tràng bằng cả hai con đường thuỷ, bộ chỉ trong khoảng thời gian nửa giờ đồng hồ. Làng cổ Bát Tràng nằm nép mình bên bờ sông Hồng, chỉ vừa đặt chân đến đầu làng thôi ta đã thấy những bình hoa, chậu cảnh, tượng gốm bày la liệt, rải dài theo ngõ ngách khắp làng. Cả hàng mộc, thô cho đến những thành phẩm trau chuốt, bóng bẩy, đa hình, đa sắc và từ các đồ dân dụng cho đến hàng mỹ nghệ đắt tiền... Theo một số thư tịch cổ, xã Bát Tràng gồm hai thôn Bát Tràng và Giang Cao thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng. Đây là ngôi làng đã ra đời cùng với kinh đô Thăng Long xưa và phát triển, tồn tại cho đến ngày nay. Hàng trăm năm trôi qua, làng nghề có lúc thịnh lúc suy, nhưng tình yêu vô tận của người Bát Tràng đối với nghề nghiệp của tổ tiên đã giúp làng nghề tồn tại vững bền, phát triển theo thời gian.
Ngày nay, đến thăm làng gốm Bát Tràng, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày du khách cũng thấy làng quê này luôn sôi động. Nhờ biết lấy cái tâm, cái đức làm nền tảng văn hoá, lấy chữ tín làm trọng trong sản xuất kinh doanh, nên gốm sứ Bát Tràng đã không những khẳng định được uy tín thương hiệu của mình trong nước, mà đồ sứ Bát Tràng bước đầu đã vươn được ra thị trường nước ngoài, đúng như đôi câu đối ở đình làng: "Truyền nghề làm bát, bùn hoá quí/ Lửa than hun đúc, đất thành vàng".
Và không chỉ là một làng nghề sản xuất gốm sứ thuần túy, Bát Tràng còn chứa đựng cả một kho tàng văn hóa quý báu. Ở đó, có nét đẹp truyền đời của một làng nghề mà mỗi người dân là một nghệ nhân, những người đã "sai khiến" được đất và lửa để tạo nên những tinh hoa cho cuộc đời.
Chúng tôi được may mắn theo chân một người bạn vào thăm nhà của những nghệ nhân nổi tiếng của làng gốm Bát Tràng như nghệ nhân Tô Thanh Sơn, nghệ nhân Vũ Thắng, nghệ nhân Trần Độ …quả thật, chúng tôi đã thực sự được đắm chìm trong một không gian văn hóa gốm đầy mê hoặc. Đặc biệt hơn là khi được tiếp chuyện và tận mắt chứng kiến những độc bản của họ, đã giúp chúng tôi hiểu sâu hơn nữa về văn hóa của Bát Tràng, điều mà chúng tôi vẫn thường mong muốn mỗi lần có dịp.
Gạch nối giữa vùng du lịch văn hoá sinh thái
Ba năm trở lại đây, lượng du khách đổ về Bát Tràng ngày một đông hơn, đặc biệt là khách quốc tế. Điều này, càng hun đúc hơn quyết tâm của các nghệ nhân trong tâm huyết muốn xây dựng, quảng bá hơn nữa những nét đặc trưng của làng nghề quê hương mình, rộng rãi hơn, và có chiều sâu hơn.
Du lịch Bát Tràng ngày càng phát triển cả về chiều sâu và rộng. Một trong những nhân tố tác động tích cực nhất tới định hướng nêu trên, chính là sự xuất hiện của Khu đô thị mới Ecopark được phát triển theo mô hình đô thị sinh thái, rất coi trọng các giá trị văn hóa, du lịch và thương mại.
Đã dần dần hình thành một thói quen khi du khách quyết định đến thăm Bát Tràng và dự án Ecopark. Trên một góc độ nào đó, Ecopark và làng gốm Bát Tràng như hai người hàng xóm thân tình với nhau, tìm được ở nhau sự tương đồng về địa lý và bổ trợ cho nhau về phương diện văn hóa, du lịch. Nếu Bát Tràng đưa lại cho du khách những cảm nhận về chiều sâu văn hóa, sức lao động, sáng tạo, cần cù, và đôi bàn tay khéo léo của những con người nơi đây, thì Ecopark đã tạo ra một không gian tự nhiên, một môi trường sống mà trong đó, người ta được thoải mái hít hà những hương vị sống thuần khiết nhất.
Điều gì đã tạo ta được sự gắn kết tương đồng đó, một khu đô thị tươi mới, hấp dẫn bên cạnh một làng nghề cổ đã hơn 700 năm tuổi, đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử. Một diện tích 500ha đô thị rộng lớn bên cạnh một làng nghề thuần túy vỏn vẹn 50ha?
Phải chăng, đó là triết lý sống, là quan điểm sống của những người phát triển đô thị. Một sự đột phá về mô hình đô thị sinh thái, một thái độ lao động nghiêm túc, sáng tạo, sẵn sàng kế thừa và phát triển những giá trị tinh hoa từ các môi trường sống hoàn hảo cả trong nước và quốc tế. Một ý thức sâu sắc về việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc. Đó chính là định hướng phát triển Khu đô thị thương mại du lịch Ecopark.
Một điểm nhấn thú vị của khu đô thị này, thể hiện cụ thể cho triết lý đó, là nhà đầu tư đã chú trọng triển khai các hạng mục về lưu giữ nét văn hóa truyền thống của người Việt, như xây dựng khu phố cổ - làng nghề truyền thống, tái hiện khu phố cổ mô phỏng 36 phố phường Hà Nội...
Những cửa hàng gốm sứ đầu tiên xuất hiện tại Ecopark, được trưng bày theo một phong cách khác, mới lạ, hiện đại, nhưng vẫn làm rõ và tôn vinh được những giá trị truyền thống vốn có của gốm sứ Bát Tràng. Khách du lịch vừa được thư thái chiêm ngưỡng những kiệt tác văn hóa dân tộc của các nghệ nhân, vừa được thưởng ngoạn ngao du một không gian hiện đại, tươi mới, trong lành, gần gũi với tự nhiên, cùng với những dịch vụ đa dạng khác, đủ để đưa con người đến với những bức tranh văn hóa cổ xưa, hiện đại đã được phối màu hoàn hảo.
Ngõ nhỏ, tường than là một trong những đặc trưng của làng cổ Bát Tràng
Nơi đây là điểm đến của rất nhiều du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu,
khám phá văn hóa truyền thống Việt Nam
Dũng Anh